*/
Tin tức

Việt Nam và AEC 2015

Cuộc hội nhập mang tên “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” vào năm 2015 đã cận kề mà tại Việt Nam, dường như nó vẫn chưa thu hút được sự chú ý thích đáng của người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.

Năm 2015 sẽ mở ra một loạt sự kiện quốc tế quan trọng đối với Việt Nam. Chúng ta có thể nhẩm đếm những từ khóa quan trọng nhất liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, với mức độ chắc chắn tạm thời được xếp từ cao xuống thấp như sau: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Vietnam - EU FTA), và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Với AEC, nếu việc thu hút đầu tư nước ngoài không vượt trội, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Trong ảnh: Gian hàng giới thiệu sản phẩm Thái Lan (phía sau) tại một hội chợ dệt may tổ chức ở TPHCM. Ảnh: THANH TAO

Nhìn vào dòng thời sự và những cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông, tôi cảm thấy dường như mức độ đề cập của chúng ta lại đang theo thứ tự ngược lại. Những gì chắc chắn, rõ ràng, sát sườn hơn cả thì lại được nhắc đến ít hơn, còn những thứ chưa rõ ràng, ít nằm trong sự kiểm soát của chúng ta hơn, thì lại được thảo luận nhiều hơn, và do đó, kết quả thảo luận thường cũng mơ hồ hơn.

Bốn mục tiêu trụ cột của AEC

Từ lâu ASEAN với 10 nước thành viên đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy tự do hóa thương mại nội khối và đẩy nhanh quá trình gắn kết các thành viên trong một sân chơi chung, nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của từng thành viên.

Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA, thành lập năm 1993) vẫn đang từng bước tiến tới thực hiện những cam kết cuối cùng. Một bước tiếp theo, với nhiều tham vọng và kỳ vọng hơn, là AEC, hoặc như một số nước muốn gọi chung chung hơn, là Cộng đồng ASEAN (AC), chính thức được thành lập vào năm 2015.

Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.
Bốn mục tiêu trụ cột của AEC được tuyên bố bao gồm: (1) thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; (2) một khu vực kinh tế cạnh tranh; (3) một khu vực phát triển đồng đều; và (4) hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Cơ hội trông đợi nhất mang tên... đầu tư

Xét về cơ hội, thì sự hội nhập ASEAN sâu rộng hơn nữa tất nhiên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội về thị trường hơn, vì chi phí lưu chuyển các loại hàng hóa, cả ở dạng nguyên liệu, chi phí trung gian cho tới thành phẩm đều hạ xuống. AEC cũng sẽ giúp các công dân Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt với những người có tay nghề, chuyên môn cao.

Nhưng cơ hội được trông đợi nhất, từ tất cả các nước ASEAN chứ không riêng gì Việt Nam, thực ra sẽ đến từ bên ngoài khối ASEAN, đó là sự đầu tư và hợp tác đến từ các nền kinh tế lớn, phát triển. Bởi vì việc kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn, sẽ khiến các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung, ở đó có khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng với giá còn tương đối rẻ.

Có thể hình dung việc hình thành AEC giống như một khu tập thể tự thương thuyết để sắp xếp, dọn dẹp lại nội bộ giữa các căn hộ bên trong khu. Từ đó, một nhà đầu tư thấy có thể dễ dàng tham gia hợp tác để cải tạo khu tập thể đó thành một khu chung cư cao cấp hay một khu thương mại dịch vụ hiện đại, với sự đồng thuận, nhất trí của các hộ dân bên trong.

Tuy nhiên, sự nhất trí biến khu tập thể thành một mặt bằng hiện đại, tiện ích hơn, có thể không đem lại cho các hộ gia đình những cơ hội giống hệt nhau. Những hộ gia đình nào có nền tảng tốt hơn, linh hoạt và nhạy bén hơn, sẽ là hộ thu được lợi ích lớn nhất từ những cơ hội mới. Những hộ gia đình chậm chạp, kém nhạy bén, có thể về mức tuyệt đối vẫn được cải thiện nhưng sẽ phát hiện thấy mình “nghèo” đi một cách tương đối so với những hộ nhóm kia.

Nhưng có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ?

Những gì là cơ hội cũng đồng thời có thể là thách thức đối với Việt Nam. Ví dụ, nhờ việc giao lưu hàng hóa trở nên thuận tiện và rẻ hơn giữa các nước, các nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư phát triển sản xuất một cách tập trung tại những địa điểm thuận lợi nhất về môi trường kinh doanh, tính nhất quán của chính sách, kinh tế vĩ mô ổn định, dồi dào nguồn vốn con người và nguồn nguyên liệu, sau đó vận chuyển sản phẩm đến những vùng khác nhau trong ASEAN. Như thế, chưa chắc Việt Nam đã là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Nếu các khía cạnh nêu trên của Việt Nam không bộc lộ được chất lượng vượt trội, thì sau năm 2015, Việt Nam có nguy cơ trở thành địa bàn để tiêu thụ hàng hóa thay vì là nơi đầu tư phát triển sản xuất.

Soi gương từ... năng suất lao động

Hãy thử nhìn vào năng suất lao động bình quân của Việt Nam so với các nước tiên tiến hơn trong ASEAN(xem biểu đồ 1). Năng suất trung bình của người lao động Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, nhỉnh hơn một phần tư của Thái Lan, dưới một phần mười của Malaysia và chỉ chưa bằng 3% (!) năng suất của Singapore. Như thế chúng ta có thể hình dung chất lượng của lao động Việt Nam hiện nay thấp như thế nào. Thường thì năng suất thấp đi liền với tiền lương thấp, nên nhiều người cho rằng đó là lợi thế của nước đi sau. Nhưng thực tế không đơn thuần như vậy. Tiền lương chỉ hấp dẫn khi nó thấp hơn năng suất thực (đồng nghĩa với việc người chủ khi trả lương sẽ thu được lợi thế). Tuy nhiên, mức sống ở Việt Nam ngày càng đắt đỏ như hiện nay đã khiến tiền lương tăng nhanh hơn năng suất, làm xói mòn lợi thế lao động giá rẻ trong khu vực.

Thêm vào đó, nguy cơ của nền kinh tế chỉ dựa vào lao động giá rẻ và năng suất thấp là rất cao. Bởi vì lao động chất lượng thấp đồng nghĩa với tính kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả tổ chức. Với những đặc điểm này, Việt Nam sẽ không phải là một điểm đến hấp dẫn cho những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô. Và điều này sẽ là nguyên nhân tách Việt Nam (và các nước đi sau) ra ngày càng xa các nước đã có một nền tảng tốt hơn trong ASEAN (như Malaysia, Thái Lan hoặc Indonesia).

Năng suất lao động thấp chỉ là một ví dụ cho thấy nguy cơ có thể lấn át cơ hội như thế nào. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều điểm yếu trong môi trường kinh doanh, hệ thống pháp lý, chất lượng chính quyền, cấu trúc kinh tế, giáo dục dạy nghề...

Xem người Thái đón đầu cơ hội

Ngoài những đặc điểm cố hữu của mỗi nền kinh tế, thì cũng cần phải kể tới vai trò của chính phủ trung ương và địa phương trong quá trình chuẩn bị cho sự hội nhập AEC.

Chính phủ Thái Lan có thể coi là một trường hợp điển hình của nỗ lực nắm bắt thời cơ của AEC. Khi trao đổi với một số quan chức Thái Lan, tôi được biết chính phủ nước này rất nghiêm túc và tôn trọng tiến trình hội nhập AEC. Các cán bộ ở các cơ quan công quyền được yêu cầu phải học hai thứ tiếng, là tiếng Anh và một thứ tiếng trong ASEAN. Nhiều cán bộ chọn tiếng Indonesia (cũng là tiếng Malaysia), nhưng cũng nhiều cán bộ chọn tiếng Việt hoặc tiếng Campuchia. Có thể việc học ngoại ngữ trong vài tháng không làm các cán bộ nhà nước sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó ngay được, nhưng điều này sẽ giúp họ phần nào hiểu hơn về văn hóa, tập quán của các nước ấy, dù ở mức sơ đẳng.

Thêm vào đó, Thái Lan cũng thúc đẩy các phong trào tìm hiểu về các nước thành viên ASEAN trong cộng đồng dân cư và nhất là học sinh, sinh viên. Các em học sinh ở các vùng đều được dạy thêm về các nước thành viên ASEAN. Nhà trường treo cờ ASEAN và học sinh tiểu học được học nhận biết các lá cờ của các nước ASEAN. Tôi ngờ rằng rất nhiều công chức, viên chức, doanh nhân của chúng ta không nhận biết hết được 10 lá cờ của các nước ASEAN chứ không riêng gì sinh viên, học sinh.

Những nỗ lực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp về AEC ở Thái Lan có vẻ đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực. Các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị chu đáo hơn cho thời điểm hội nhập. Đồng thời, những doanh nghiệp lớn nhất đã chủ động tiến sang các nước thành viên khác để đón thời cơ.

Ở Việt Nam, chúng ta đã và đang thấy dần sự hiện diện của các doanh nghiệp Thái Lan trong nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt là những mảng Thái Lan có lợi thế, như nông sản, hàng công nghiệp nhẹ và hệ thống dịch vụ bán lẻ.

Biểu đồ 2cho thấy cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. Đường nằm trên đồ thị cho thấy Việt Nam có xuất siêu, nằm dưới phản ánh sự nhập siêu. Có thể thấy, Việt Nam có nhập siêu lớn từ Singapore (thị trường trung chuyển các yếu tố đầu vào cho sản xuất) và Thái Lan.

Rõ ràng, Thái Lan đã nhìn thấy cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng. Chưa kể, Việt Nam có vị trí như một điểm trung gian phân phối nông sản sang thị trường Trung Quốc. Chính vì lý do này, gần đây một loạt doanh nghiệp lớn của Thái Lan đã thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập lớn trong ngành phân phối, cả bán sỉ lẫn bán lẻ.

Em bé Campuchia cũng chuẩn bị cho AEC

Có lần ghé nhà hàng Tuk Day, gần chợ đêm Siem Reap; một cô bé Khmer vừa massage vừa kể rằng: “Cô giáo em dặn phải ráng học thật giỏi, nhất là tiếng Anh vì năm sau là mở cửa thị trường lao động ASEAN”. Tôi hết sức bất ngờ bởi em chỉ đang học lớp 11, đen nhẻm, gầy ốm, tóc khét nắng, chỉ có đôi mắt to tròn tinh anh đầy nghị lực.

Nhiều người e ngại mở cửa, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong khu vực, trước mắt sẽ là nạn chảy máu chất xám. Những người giỏi sẽ ra đi, tìm đến những doanh nghiệp có thu nhập và chính sách xã hội tốt hơn. Tôi nghĩ, việc này là hợp quy luật và cần phải tạo điều kiện. Nhưng phải có lửa thì mới thử được vàng. Hiện nay, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam là bốn nước chưa có khung nghề chuẩn quốc gia, trong đó Việt Nam sẽ gặp khó khăn gấp bội vì thiếu chuẩn bị và có nhiều thứ cản trở. Bằng cấp của Việt Nam thuộc loại phức tạp nhất thế giới, không được các nước công nhận, trừ Lào và Campuchia.

Là doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không sợ người giỏi ra đi vì có nguồn dự trữ (tôi là giáo viên khoa Du lịch một số trường đại học) và những chính sách chăm lo cho nhân viên. Nhưng nhìn rộng hơn, tôi sợ sinh viên, người làm trong ngành phải cạnh tranh với nhân sự đến từ các nước, nhất là những vị trí quan trọng. Tôi biết, CEO của vài resort 5 sao ở miền Trung là người Myanmar và Philippines. Các khách sạn và resort 5 sao đều do người nước ngoài quản lý. Khi hội nhập AEC, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chung của ASEAN ngoài tiếng mẹ đẻ. Người Việt buộc phải cạnh tranh với người Myanmar, Philippines... và cả Campuchia ngay tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours)

76% doanh nghiệp Việt Nam không biết về AEC

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) đã có một cuộc điều tra về nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp đến AEC ở các quốc gia ASEAN, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam (ISEAS, 2013).

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về AEC. Cụ thể: có 76% số doanh nghiệp được điều tra không biết về AEC và 94% doanh nghiệp không biết về Biểu đánh giá thực hiện AEC (AEC Scorecard). Các doanh nghiệp được hỏi cũng không hiểu rõ những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam nói chung và với các doanh nghiệp nói riêng khi Việt Nam gia tham gia vào AEC 2015. Có đến 63% doanh nghiệp cho rằng AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc kinh doanh của mình. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các quốc gia ASEAN.

Những nhận thức còn hạn chế như vậy sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC (như ưu đãi về thuế quan, về thủ tục hải quan, sự công nhận lẫn nhau đối với một số ngành, các ngành được ưu tiên trong ASEAN...). Ví dụ: hiện nay mới chỉ 25% doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi ích trong việc sử dụng ưu đãi thuế quan theo C/O form D(1).

Điều này còn dẫn tới việc doanh nghiệp không nhận thức, không lường trước được những khó khăn và sức ép cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa. Từ đó, không có những chuẩn bị cần thiết và kịp thời để ít nhất giữ vững được vị thế trên sân nhà.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhìn nhận AEC như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong AEC là tương đối hạn chế. Cũng vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm lớn tới TPP ngay khi nó mới đang trong quá trình đàm phán, vì TPP hứa hẹn sẽ đem lại các lợi ích lớn về tiếp cận thị trường Mỹ và một số nước lớn khác. Nhưng mục tiêu của AEC không chỉ là tiếp cận thị trường riêng lẻ, sự kết nối thành một “thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” mới là mục tiêu chính của AEC. Đây mới chính là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp trong ASEAN cần nhắm đến.

(Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng của VEPR)

(1) http://bizlive.vn/thuong-truong/hoi-nhap-aec-doanh-nghiep-da-san-sang-132883.html


TS. Nguyễn Đức Thành

Theo thời báo kinh tế Sài Gòn online